Mặt hàng được quan tâm nhiều nhất dĩ nhiên là laptop và sách vở, phương tiện hỗ trợ các bạn trẻ tiếp cận thông tin và cũng là công cụ học tập quan trọng. Khác với ngày xưa, bên cạnh smartphone, laptop hiện nay là một công cụ phổ biến của giới học sinh sinh viên. Với nhiều bậc phụ huynh, laptop cũng là một công cụ đắc lực cho công việc hằng ngày của họ và đây là dịp để họ xem xét lý do mua sắm.
Dạo một vòng qua các website của các nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, Phong Vũ,… đều tràn ngập các banner “Back to School” - chương trình khuyến mãi dành cho mùa tựu trường, với các mức giảm áp dụng cho laptop năm nay dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng kèm theo các khuyến mãi khác. Điểm sáng của các chương trình khuyến mãi năm nay là mảng laptop đã không còn bị tình trạng “khuyến mãi ảo” nữa, tức là đội giá lên sau đó hạ xuống nhưng vẫn chỉ ngang mặt bằng chung trên thị trường khi chưa khuyến mãi.
Đa dạng hình thức khuyến mãi
Để làm mới chương trình, có một số nhà bán lẻ đưa ra các hình thức khuyến mãi khá “độc”, chẳng hạn như Thế Giới Di Động đưa ra chương trình “đổi điểm” với mức giảm từ 5-30% tùy điểm trung bình môn thi THPT năm 2019 của các em học sinh, ví dụ ít hơn 5 điểm/môn sẽ được nhận khuyến mãi 5% và được từ 9-10 điểm/môn sẽ được khuyến mãi lên tới 30% tổng giá trị laptop. Bên cạnh đó, nhà bán lẻ này còn cho phép khách hàng tham gia quay số trúng thưởng 450 suất học bổng trị giá 4,5 tỷ đồng.
Khác với Thế Giới Di Động, một nhà bán lẻ lớn khác là Phong Vũ lại đưa ra mức chiết khấu giảm ngay 3,5 triệu đồng cho các sản phẩm laptop đối với học sinh sinh viên và bộ phần mềm Office 365 chỉ 90 ngàn đồng. Khiêm tốn hơn, siêu thị điện máy Nguyễn Kim đặt ra mức chiết khấu 700 ngàn cho mỗi laptop trong mùa tựu trường.
Ngoài điểm sáng về khuyến mãi đa dạng, dịp này cũng là lúc một số cửa hàng nhỏ lẻ lợi dụng mác khuyến mãi mùa tựu trường để đưa ra các chương trình giảm giá ảo nhằm đánh lừa người mua. Tuy nhiên, cách thức này hiện đã không còn hiệu quả vì người dùng Việt Nam đã trở nên cảnh giác hơn sau nhiều lần bị rơi vào “bẫy” siêu khuyến mãi ảo.
Khách hàng chưa thực sự mặn mà
Sở dĩ các nhà bán lẻ này đều cố gắng đưa ra các ưu đãi như vậy là do lượng tồn kho laptop khá cao, trong bối cảnh người dùng ngày càng “lười” nâng cấp laptop và có xu hướng đầu tư vào smartphone nhiều hơn thì rõ ràng động thái giảm giá để kích cầu nhân dịp tựu trường là một cách hâm nóng cấp thiết. Ngoài ra, mức sống người dân đã cao hơn nên việc mua sắm laptop phục vụ nhu cầu học tập, công việc và giải trí đã được nhiều người thực hiện từ trước dịp khuyến mãi, chỉ trừ một số lượng nhỏ vẫn chờ tới dịp này để mong được giảm giá.
Theo anh Hải, chủ một cửa hàng bán đồ điện tử ở Q10 cho biết: “ Hiện nay hầu hết các em học sinh đều đã được bố mẹ trang bị sẵn laptop điện thoại, nên mùa tựu trường chủ yếu là dịp để các em (và bậc phụ huynh) xem xét nâng cấp laptop để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Do vậy dù giá laptop hiện nay đôi khi rẻ hơn cả điện thoại nhưng không phải ai cũng muốn chi thêm để nâng cấp ”. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều cửa hàng bán đồ điện tử nhỏ lẻ dọc các khu phố nổi tiếng như Tôn Thất Tùng (Q1), Nhật Tảo (Q10)…
Bên cạnh đó, chính các mẫu mã laptop hiện rất đa dạng và trải dài ở mọi phân khúc, đến từ thương hiệu uy tín như Apple, Dell, HP, MSI, Asus, Acer,… đã khiến không ít người bị “ngợp” và khó lựa chọn. Ngay khi nhấp chuột vào mục laptop khuyến mãi người dùng đã bị ngợp với nhiều model na ná nhau của cùng một hãng nhưng có mức giá và cấu hình khác nhau, đòi hỏi người mua phải tham khảo kỹ và không ít người đã từ bỏ ý định nâng cấp laptop ngay ở bước này.
Thay đổi cách tiếp cận
Có vẻ như một số nhà bán lẻ dường như đã không còn ưa thích các kênh quảng cáo trên TV, báo chí,.. nữa mà chuyển sang các loại hình tiếp thị trực tiếp qua tờ rơi, băng rôn, bảng hiệu và chính banner trên website của họ. Qua đó họ thu hút được sự chú ý của các đối tượng trọng tâm là học sinh, sinh viên, những người vốn rất “nhạy” với các loại hình khuyến mãi.
Tuy nhiên, các loại hình này cũng có những hạn chế trong việc tiếp cận do người xem thường được tiếp xúc ở những thời điểm không thuận lợi, khi dừng xe chờ đèn đỏ hoặc chen chúng dọc đường..
Nhìn chung, nhu cầu mua sắm vào dịp này là là có thật, hầu hết các hãng và nhà bán lẻ cũng đưa ra khuyến mãi thật. Tuy nhiên, mức giá và nhu cầu khác nhau có thể khiến người mua và người bán khó tìm được tiếng nói chung, bên cạnh đó lượng cung cũng nhiều hơn lượng cầu khiến thị trường laptop mùa nhập học trở nên không thực sự sôi động, kể cả khi các nhà bán lẻ đã nghiêm túc hơn với chương trình khuyến mãi của họ.
Riêng với các em học sinh và sinh viên, đây là dịp để xem xét nhu cầu nâng cấp trang thiết bị của mình nhưng cần tỉnh táo để tránh “tiền mất tật mang”. Giảm giá là thiết thực, thiết nghĩ sẽ tốt hơn nếu các nhà bán lẻ tìm cách chia đều khoản chiết khấu từ các loại hình khuyến mãi vào thẳng mức giá laptop và đó cũng là thứ mà các em học sinh - sinh viên cần hơn các “cơ hội” bốc thăm kia.
Việt Thắng